Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP

Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP.
Việc triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh bình thường mới. Trên cơ sở đón nhận yêu cầu của các chủ thể OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương chủ trì phối hợp với tổ công tác 1034 của Bộ Thông tin truyền thông và các đơn vị liên quan để tổ chức lớp tập huấn về "Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP".
Lớp tập huấn với mục đích sẽ hỗ trợ những kỹ năng và cách làm cụ thể với 9 chuyên đề tập trung vào 3 nhóm nội dung chính. Cụ thể là hướng dẫn kỹ năng về thiết kế, sáng tạo trong phát triển sản phẩm OCOP; Hướng dẫn về quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trong môi trường số; Đẩy mạnh và bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Minh Tiến (ở giữa)- Cục trưởng – Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương phát biểu khai mạc buổi tập huấn. Ảnh chụp màn hình
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương thì việc xây dựng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đóng một vai trò rất quan trọng cho việc thuận lợi hóa các hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, giảm thiểu các chi phí phát sinh cho các chủ thể OCOP, giảm thời gian cho các cơ quan quản lý nhà nước và tăng cường tính minh bạch của công việc đánh giá sản phẩm OCOP quốc gia.
Đánh giá cao sức mạnh của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, ông Tony Harman, Tham tán nông nghiệp sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng, việc đưa các sản phẩm OCOP tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử là cơ sở quan trọng để mở rộng các kênh phân phối, giúp các chủ thể tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ khả năng chuyển đổi cơ cấu, nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân.
Trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương sẽ tập trung và mong muốn sự hợp tác, đồng hành của các đối tác về chuyển đổi số, trong đó tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, gắn với vùng nguyên liệu và mã số vùng trồng, đặc biệt với các sản phẩm OCOP có tiềm năng về xuất khẩu và tiếp cận thị trường quốc tế.
Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cũng sẽ nâng cao năng lực của các chủ thể OCOP (doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã), các Hiệp hội chuyên ngành trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đặc biệt là thương mại điện tử trên cơ sở áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vì mục tiêu góp phần phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao hiệu quả của Chương trình OCOP.
Nguyên An
Từ Khóa : Ứng dụng chuyển đổi số, quảng bá sản phẩm, OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương
Ý kiến bạn đọc

Thanh Hóa: Phát triển sản phẩm OCOP

Chuyển đổi số trong thúc đẩy sản phẩm OCOP

Quảng Nam: Hội Nông dân lập trang Facebook OCOP Điện Bàn bán toàn nông sản đặc sản

Trà Vinh: Hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm đặc sản và OCOP lên sàn thương mại điện tử
