Loading... Loading...

Chương trình sản phẩm OCOP tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế nông thôn

Thứ sáu, 29-04-2022 | 13:05GMT+7
OVN - Trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần V diễn ra tại Vĩnh Long mới đây, Hội thảo về Chương trình sản phẩm OCOP và phát triển ngành hàng lúa gạo gạo Việt Nam đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp phát triển các sản phẩm này trong thời gian tới.

Hiệu quả từ Chương trình sản phẩm OCOP

Theo Ban tổ chức hội thảo, thực tiễn hơn 3 năm qua cho thấy, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP (Chương trình sản phẩm OCOP) được xem là giải pháp phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả, tạo nên động lực mới trong xây dựng nông thôn mới.
 
Quảng cảnh Hội thảo về Chương trình sản phẩm OCOP
Quảng cảnh Hội thảo về Chương trình sản phẩm OCOP (Ảnh\: TTXVN)

Từ khi có Chương trình sản phẩm OCOP, lúa gạo là một trong những ngành hàng được quan tâm đầu tư, hỗ trợ, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đổi mới cải tiến bao bì, mẫu mã… Từ đó, nâng dần giá trị xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Tính đến nay, cả nước có 4.759 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên. Trong số đó, Đồng bằng sông Hồng chiếm 37,16%, miền núi phía Bắc chiếm 20,56%, Đồng bằng sông Cửu Long với 15% và thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ chiếm 1,85%. Sản phẩm OCOP đạt 3 sao chiếm 62,05%; sản phẩm đạt 4 sao chiếm 36,2% và sản phẩm tiềm năng 5 sao chiếm 1,72%.

Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Trong số đó, 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định…

Chương trình sản phẩm OCOP cần đi vào chiều sâu

Theo ông Trần Thế Như Hiệp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình sản phẩm OCOP là phấn đấu đến năm 2025 cả nước có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
 
Chương trình sản phẩm OCOP phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm được công nhận từ 3 sao vào năm 2025
Chương trình sản phẩm OCOP phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm được công nhận từ 3 sao vào năm 2025 (Ảnh: ST)

Để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP và hiệu quả của Chương trình sản phẩm OCOP, giai đoạn này cần tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề ở nông thôn hiện nay như hình thành và tái cấu trúc các hợp tác xã, doanh nghiệp ở vùng nông thôn trở thành chủ nhân của quá trình phát triển. Ngoài ra, tạo công ăn việc làm, thu nhập thông qua sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế; đào tạo, huấn luyện nhân lực tham gia OCOP; bảo vệ môi trường, anh sinh xã hội…
 
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt cho rằng, hội thảo không chỉ giúp giải quyết các vấn đề mang tính thời sự của Chương trình sản phẩm OCOP, mà với sự tham gia của nhiều ý kiến của nhà khoa học, nhà quản lý sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực để phát triển sản phẩm OCOP và ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới. 

Qua đó, Chương trình sản phẩm OCOP, tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới đi vào thực chất, bền vững.

Tin và ảnh: Kiệt Anh (TH)

Từ Khóa : OCOP Việt Nam, Chương trình sản phẩm OCOP

Ý kiến bạn đọc