Loading... Loading...

Phú Thọ thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển ở các huyện miền núi

Thứ năm, 02-02-2023 | 10:28GMT+7
OVN - Sau 5 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Phú Thọ đã có 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó có 47 sản phẩm đạt 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao. Điều đáng nói, trong các sản phẩm đạt 3, 4 sao thì có tới hàng chục sản phẩm ở các xã thuộc các huyện miền núi, vùng khó khăn. Điều này mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế theo hướng gia tăng giá trị nông sản, đồng thời quảng bá văn hóa vùng Đất Tổ.

Phú Thọ khơi dậy tiềm năng sản phẩm OCOP các địa phương

Yên Lập là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Phú Thọ nhưng giai đoạn 2021 - 2025, huyện đăng ký có 19 sản phẩm đạt OCOP.  Năm 2022, huyện Yên Lập có thêm 5 sản phẩm OCOP gồm: Đông trùng hạ thảo khô, rượu Thảo Xuân xã Mỹ Lung; mật ong Phúc An, mật ong hoa hồng; nếp Gà Gáy Mỹ Lung; trong đó sản phẩm nếp Gà Gáy Mỹ Lung đã được nâng hạng lên 4 sao.
 
Phú Thọ khơi dậy tiềm năng sản phẩm OCOP các địa phương
Một số sản phẩm OCOP Phú Thọ (Ảnh: ST)

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Lập Hoàng Văn Cường, huyện Yên Lập đã và đang tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP từ đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với chuỗi giá trị góp phần mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng bền vững.

Cũng nằm trong số các huyện miền núi của Phú Thọ, hết năm 2022, huyện Thanh Sơn có 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Sơn cho biết, huyện xác định bám sát định hướng chương trình là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị các sản phẩm. Huyện cũng đã khuyến khích và hỗ trợ xây dựng được các sản phẩm chất lượng tốt và bản sắc được thị trường đón nhận. Từ đó khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy sản xuất và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP ở địa phương…

Sau quãng thời gian gia tăng tốt về số lượng sản phẩm, hiện tại tỉnh Phú Thọ đang tập trung nâng cao chất lượng, hướng tới xuất khẩu. Trong 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân các cấp của tỉnh Phú Thọ đã hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng được 105 sản phẩm OCOP; trong đó nhiều sản phẩm đã được xuất ngoại.

Mở rộng sản xuất, nâng tầm sản phẩm OCOP

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Phương Hạnh cho hay, dù còn rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhưng những năm qua, nông dân đã góp phần viết nên những kỳ tích. Đặc biệt, năm 2022, Phú Thọ là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" với 3 nông dân xuất sắc.

Trên thực tế, nhiều địa phương ở Phú Thọ đã chú trọng tới sản xuất hàng hóa, kết nối tiêu thụ bằng nhiều giải pháp khác nhau nhằm củng cố, nâng cao chất lượng, nâng hạng “sao” của sản phẩm 3-4 sao đã được công nhận. Tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của tiểu vùng như: dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ chè, cây ăn quả để tiêu thụ mạnh trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nâng cao giá trị của sản phẩm…
 
Phú Thọ khơi dậy tiềm năng sản phẩm OCOP các địa phương
Tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP (Ảnh: ST)

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn; trong đó chủ yếu là sản phẩm OCOP của các huyện miền núi chưa tạo thành hàng hóa tập trung; quy trình chăm sóc, thâm canh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh chưa đồng bộ; chất lượng mẫu mã một số sản phẩm chưa đồng đều.

Để khắc phục những khó khăn, xây dựng được thị trường đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP, cần thực hiện giải pháp chiến lược, đồng bộ. Đối với các chủ thể, cần thay đổi tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng. Các ngành chức năng cần làm tốt khâu dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP; đồng thời, sớm hình thành chuỗi sản xuất chặt chẽ, mở rộng thị trường; thực hiện mối liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị; phát triển đa dạng các kênh phân phối, đưa sản phẩm OCOP của khu vực miền núi vươn xa…

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ phải chủ động huy động, lồng ghép nguồn lực, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể xây dựng, lập hồ sơ, phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP theo quy định; trong đó có khu vực miền núi. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ để sản phẩm OCOP của khu vực này ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương...

Bài và ảnh TH: Minh Khang 

Từ Khóa : OCOP, Phú Thọ thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển ở các huyện miền núi

Ý kiến bạn đọc