Loading... Loading...

OCOP Hà Nội đẩy mạnh các kênh xúc tiến thương mại

Thứ bảy, 18-02-2023 | 14:07GMT+7
OVN - Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại được thành phố Hà Nội triển khai tích cực và có hiệu quả; điều này góp phần làm nên thành công của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Hà Nội

Cách đây chưa lâu, thành phố Hà Nội đã tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tại huyện Hoài Đức. Hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm này đã có sự tham gia của hơn 100 gian hàng với hơn 2.000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội, 9 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.
 
Thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Hà Nội
Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm OCOP (Ảnh: ST)

Chị Nguyễn Thị Hà, đại diện Công ty TNHH Phát triển Thảo dược Việt cho biết: “Đơn vị đem đến trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm cao cấp như tinh chất tỏi, tinh chất tía tô, tinh chất rau má... Đây là cơ hội để các sản phẩm của chúng tôi được mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối với các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Còn tại thị xã Sơn Tây, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra trong 5 ngày đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; với hơn 100 gian hàng trưng bày, hơn 1.000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội, 9 tỉnh miền núi phía Bắc và 6 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong thời gian qua Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND hai huyện Thanh Oai và Thường Tín cùng các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng tổ chức khai trương các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các điểm OCOP này đã giới thiệu đến người tiêu dùng hàng trăm mặt hàng là các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề đặc sắc… Đây không chỉ là các sản phẩm OCOP đặc trưng trên địa bàn từng quận, huyện mà còn quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trước đó, “Tuần hàng quảng bá Nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2022” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức đã thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đến từ 29 tỉnh, thành phố trong nước như: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hà Nam, Hải Phòng, Hưng Yên... và đã thu hút được đông đảo người dân tham quan, mua sắm.

Theo Ban Tổ chức, sự kiện đã thu hút được khoảng 90.000 lượt khách trong nước đến tham quan, mua sắm, giao dịch và ký kết hợp tác đại lý phân phối với tổng doanh thu của các đơn vị đạt trên 10 tỷ đồng. Các gian hàng và sản phẩm thu hút lượng lớn sự quan tâm của người tiêu dùng gồm các sản phẩm như: Chả cá Thát Lát Hậu Giang, các sản phẩm hải sản tỉnh Quảng Ninh…Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng của thị trường Hà Nội đối với những sản phẩm sạch, an toàn, đặc biệt các sản phẩm đặc sản vùng miền là rất lớn.

Tạo “sức bật” cho kinh tế nông thôn

Với dân số 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc, Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng luôn ưa chuộng sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chất lượng tốt, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường.
 
Thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Hà Nội
Qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương... thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Hà Nội ngày càng được mở rộng và đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. (Ảnh: ST)

Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc HPA cho biết, đây là một trong những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kết nối tiêu thụ, kích thích mua sắm, tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước. “Thông qua hoạt động này, HPA sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội, tạo cơ hội cho các đơn vị tiếp cận hệ thống bán lẻ hiện đại”, Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội là một thị trường tiềm năng để các tỉnh, thành phố đưa các sản phẩm, đặc sản vùng miền tới quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến giao thương, tiêu thụ. Do đó, cần có sự đồng bộ trong xúc tiến thương mại, tạo điểm nhấn nổi trội và đặc sắc để xây dựng hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, thương hiệu OCOP Việt Nam.

Có thể thấy, chương trình OCOP không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa trong việc hình thành các tổ chức liên kết kinh tế, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương, tạo “sức bật” cho kinh tế nông thôn.
Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề; hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code… Từ lợi thế này, Hà Nội phấn đấu năm 2020 sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng 800 - 1.000 sản phẩm; trong đó, có 500 sản phẩm trở lên được đánh giá, xếp 3 sao trở lên, có 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia (hạng 5 sao).

Bài và ảnh: Minh Khuê 

Từ Khóa : OCOP Việt Nam, OCOP Hà Nội đẩy mạnh các kênh xúc tiến thương mại

Ý kiến bạn đọc