Trang chủ / Điểm đến Ocop / Thị xã Hoài Nhơn: Tiềm năng phát triển du lịch gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
Thị xã Hoài Nhơn: Tiềm năng phát triển du lịch gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
Cách TP. Quy Nhơn 90 km, Thị xã Hoài Nhơn là cửa ngõ phía bắc tỉnh Bình Định. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện khá đồng bộ, gắn với quốc lộ 1A, ga tàu lửa Bồng Sơn; tỉnh lộ 629 về phía Tây, tỉnh lộ 639 phía đông, cửa biển Tam Quan Bắc. Hệ sinh thái du lịch Hoài Nhơn còn có sông, rừng núi, hồ nước phía Tây Bắc với cảnh quan kỳ vĩ, thơ mộng. Tài nguyên du lịch Thị xã Hoài Nhơn khá dồi dào, trải rộng khắp cả huyện, từ đồng bằng đến miền núi, miền biển. Chạy dọc theo phía đông Hoài Nhơn là bờ biển dài 24 km với nhiều bãi biển đẹp như: Thiện Chánh, Lộ Diêu, Bãi Con, Tăng Long, Cửu Lợi… nơi tạo nên các ghềnh đá hoang sơ thu hút khách du lịch trải nghiệm như Ghềnh đá Lộ Diêu, Hoài Hải, Hang yến. Hệ thống rừng núi, hồ nước phía tây bắc có cảnh quan kỳ vĩ, thơ mộng, như Suối Vàng, Núi Chúa, La Vuông (Hoài Sơn), hồ chứa nước Mỹ Bình- hồ nước ngọt lớn nhất Thị xã Hoài Nhơn, Đá Bàn (Hoài Phú). Đặc biệt nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất cát ven biển thuận lợi phát triển cây dừa, đứng trên đỉnh đèo Bình Đê nhìn xuống theo hướng nam, những rừng dừa rộng đến ngút ngàn đã đưa tên tuổi Hoài Nhơn gắn với “xứ dừa”.






Bên cạnh đó, Hoài Nhơn còn là vùng đất có nền văn hóa đa dạng với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian đặc sắc được cộng đồng dân cư lưu giữ đến ngày nay, như hội bài chòi dân gian, hát múa bả trạo, trò chơi cổ nhơn; lễ hội cầu ngư, lễ giỗ tổ nghề dệt chiếu… Các di tích kháng chiến: Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi (Tam Quan Nam), Đồi 10 (Hoài Châu Bắc), Chợ Cát (Hoài Hảo), Cây số 7 Tài Lương (Hoài Thanh Tây), di tích tàu không số bãi biển Lộ Diêu (Hoài Mỹ)… Và là nơi lưu giữ các làng nghề truyền thống lâu đời: làng chiếu cói Chương Hòa; bánh tráng nước dừa và bún số 8 Tam Quan Nam, nghề thảm xơ dừa, làng nghề chế biến nước mắm…




Nghề dệt thảm xơ dừa
Điểm mạnh của Hoài Nhơn còn là những món ăn đặc sản rất đặc trưng như mè xửng, bánh đúc Hoài Thanh; nem chả Bồng Sơn; bánh xèo Hoài Đức, bánh dây... và không thể bỏ qua đặc sản làm từ nguyên liệu dừa mà hương vị và mùi thơm sẽ níu chân du khách như bánh tráng nước dừa, kẹo dừa, bánh hồng... Bên cạnh đó những sản phẩm đạt chuẩn OCOP cũng được khách du lịch ưa chuộng làm quà lưu niệm: Chiếu cói, Dầu dừa tinh khiết, Yến sào, Bánh tráng nước dừa, Bánh hồng, Bánh cốm nếp ngự, Bún số 8, các loại mắm, các loại khô hải sản…


Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn liền với sự phát triển du lịch
Hiện nay trên địa bàn Thị xã Hoài Nhơn đã có 23 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP trong đó Cá ngừ đại dương của Công ty TNHH Hải Nguyên và Công ty TNHH Tân Xuân Lộc, Dầu dừa tinh khiết của Hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc An (HTX Ngọc An), Nước mắm Bếp Xưa của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Thịnh Đạt vinh dự đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 5 sao. Riêng Đợt I năm 2021, Thị xã có 9 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3-5 sao. Với những thế mạnh về du lịch và văn hóa, du lịch tại Thị xã Hoài Nhơn đang phát triển theo phương hướng đưa làng nghề thành điểm đến, đưa sản vật địa phương thành sản phẩm phục vụ du lịch.


Sản phẩm OCOP không chỉ kết nối, quảng bá hình ảnh của Thị xã Hoài Nhơn nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế mà còn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Bà Lê Thị Kim Nhường – Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc An cho biết hiện HTX có khoảng 1.620 hộ xã viên được chuyển giao công nghệ trồng dừa hữu cơ và tiến bộ kỹ thuật trong chọn tạo giống, xen canh, thâm canh trong vườn dừa để nâng cao giá trị kinh tế. HTX Ngọc An thu mua bao tiêu sản lượng dừa của những hộ xã viên phục vụ chế biến tinh dầu dừa, bánh tráng nước dừa... với giá cả đầu ra ổn định để người dân yên tâm canh tác, gắn bó lâu dài với cây dừa.

Không riêng dầu dừa Ngọc An, cá ngừ đại dương và nước mắm Bếp Xưa, những sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 3 sao khác của Huyện Hoài Nhơn cũng chứa đựng tinh hoa văn hóa và nét truyền thống của cộng đồng dân cư xuyên suốt chiều dài lịch sử. Những sản phẩm chất lượng đến tay khách du lịch còn là sự truyền tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường. Từ đó, thúc đẩy ngành du lịch tại quê hương từng bước phát triển bền vững góp phần xây dựng kinh tế xã hội và ổn định đời sống người dân.
Từ Khóa : Thị xã Hoài Nhơn, Tiềm năng phát triển du lịch, gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), OCOP Việt Nam
Ý kiến bạn đọc

OCOP Lai Châu: Phát huy thế mạnh cây dược liệu

OCOP Hà Giang: Xây dựng thương hiệu sản phẩm mang đặc trưng vùng miền

Hà Nội xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch

OCOP Lâm Đồng: Lan tỏa thương hiệu nông sản Việt Nam
