Trang chủ / Điểm đến Ocop / Lâm Đồng: Định vị thương hiệu 'Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành' trên bản đồ quốc tế
Lâm Đồng: Định vị thương hiệu 'Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành' trên bản đồ quốc tế

Mô hình trải nghiệm du lịch canh nông Tâm Châu
Nhằm phát huy các lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra kế hoạch hành động phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” giai đoạn 2021-2025 đối với 4 nhóm sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông trở thành thương hiệu mạnh tại Việt Nam; bảo hộ và tập trung quảng bá, phát triển thương hiệu ra nước ngoài; du lịch canh nông trở thành thương hiệu số 1 tại Việt Nam.
.jpg)
Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi phát triển sản phẩm nông sản
Tổng kinh phí thực hiện là hơn 8,1 tỷ đồng, trong đó 6,7 tỷ đồng tổ chức truyền thông quảng bá thương hiệu và hơn 1,4 tỷ đồng kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhãn hiệu; đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài. Đối tượng thực hiện là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông trên địa bàn thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà. Riêng du lịch canh nông phạm vi thực hiện trên toàn tỉnh. Ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện cũng được xác định rõ, cụ thể là: Tổ chức truyền thông, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; Chú trọng công tác quản lý thương hiệu; Nâng cao quản lý chất lượng sản phẩm.

Ảnh minh họa
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, mới triển khai chỉ trong thời gian ngắn, nhưng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã làm nên một dấu ấn trong chuỗi giá trị nông sản và du lịch canh nông mà trước đó chưa có tiền lệ. Hiện có gần 400 doanh nghiệp, hộ cá thể đăng ký sử dụng nhãn hiệu, sản phẩm rau, hoa, cà phê của doanh nghiệp Lâm Đồng đã kết nối, phân phối tiêu thụ tại nhiều hệ thống siêu thị lớn; chợ đầu mối phân phối khu vực tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội; các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng chuyên doanh rau, hoa, cà phê... khắp cả nước. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản đều có sự tăng trưởng qua các năm; thị trường xuất khẩu chủ yếu đối với mặt hàng rau, củ, quả xuất sang 11 nước tại khu vực Đông Á, EU, Mỹ, ASEAN; hoa xuất khẩu sang 12 nước tại khu vực Đông Á, châu Úc, châu Âu và ASEAN; và cà phê đã xuất khẩu sang tất cả các châu lục.

Xứ sở ngàn hoa (Ảnh minh họa)
Từ đó các sản phẩm nông sản đăng ký sử dụng nhãn hiệu cũng đã tăng 20% giá trị kinh tế với các nông sản: rau, hoa, cà phê Arabica; quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước đã tăng phạm vi ảnh hưởng thương hiệu lên hơn 30%... Đó là những con số biết nói, những giá trị cộng thêm mà thương hiệu đã, đang và sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả thực tế cho tỉnh nhà.
Xây dựng thương hiệu quốc tế
Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, đơn vị trực tiếp thực hiện kế hoạch phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”: Giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025, Lâm Đồng sẽ tiếp tục nỗ lực đưa thương hiệu này, tập trung đẩy mạnh truyền thông quảng bá trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và các sự kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, lan tỏa các giá trị mà thương hiệu mang lại.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ chú trọng kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ thường xuyên đối với sản phẩm mang thương hiệu, nhấn mạnh sự an toàn và uy tín khi sử dụng sản phẩm. Từ đó, tạo sự vượt trội về chất lượng, lợi ích mà sản phẩm mang lại cho khách hàng, nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm, giá trị thương mại cho sản phẩm cũng như thu nhập của người sản xuất.
Từ Khóa : OCOP Việt Nam, OCOP Lâm Đồng, 'Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành'
Ý kiến bạn đọc

Bản Liền xây dựng nông thôn mới gắn phát triển du lịch

Đảm bảo an toàn cho Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2021
.jpg)