Đắk Lắk: Doanh nghiệp nặng lòng với hạt cà phê "hữu cơ"
Canh tác theo quy trình hữu cơ
Gốc là người Thanh Hóa, năm 12 tuổi (1996), anh Vương theo gia đình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Hình ảnh nông dân cần cù, sớm hôm tảo tần chăm sóc từng gốc cà phê đã in sâu trong tâm trí anh từ thuở thiếu thời. Đối với chàng trai xứ Thanh khi ấy, Đắk Lắk là miền đất phì nhiêu, màu mỡ mà chỉ cần thảy hạt giống xuống dù chẳng cần chăm sóc nhiều, cây cà phê cũng có thể mọc cao quá đỉnh đầu. Cây cà phê chính là bạn đồng hành giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng nhưng cũng đôi khi là “gánh nặng” khi cây ngày càng già cỗi và đất đã bạc màu, khó cải tạo, ảnh hưởng đến năng suất thu quả và chất lượng cà phê.
“Đến khi tôi bắt đầu canh tác cà phê, mặc dù phải sử dụng phân bón nhưng chất lượng cây không còn tốt như trước. Điều này chứng tỏ đất đai ngày càng bạc màu, cạn kiệt dinh dưỡng, chai cứng. Bên cạnh đó, các báo cáo của cơ quan chức năng gần đây đều cho thấy nguồn nước, không khí, thực phẩm,… xung quanh đang ngày càng bị ô nhiễm. Tôi tự hỏi, đời mình đã như thế này thì con cháu biết phải làm sao?” anh Vương nhớ lại.
Anh Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty Vương Thành Công |
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều nông dân, hộ sản xuất, canh tác buộc lòng phải tiến hành đầu tư cải tạo bộ rễ hoặc thậm chí loại bỏ phần diện tích cà phê già cỗi để trồng tái canh giống cây mới. Vào thời điểm đó, gia đình anh Vương chỉ có thể xuất bán cà phê thô cho các đơn vị thu mua nông sản quanh vùng, khó tránh thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định, do bị thương lái ép giá.
Chứng kiến cây trồng chủ lực ngày càng giảm năng suất, chất lượng, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, nhưng chi phí cải tạo, tái canh lại không hề rẻ, nhiều hộ canh tác trên địa bàn nói chung cũng như gia đình anh Vương nói riêng không ít lần nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Song, sau nhiều lần đắn đo, người dân vẫn lựa chọn kiên định với cây cà phê như tin vào sức sống bền bỉ, vượt qua mọi thách thức của loài cây biểu tượng trên vùng đất bazan Tây Nguyên.
Kế thừa tinh thần tận tụy với công việc thuần nông cũng như tâm niệm “hư thì sửa chứ không buông bỏ”, anh Vương bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật cải tạo, hỗ trợ nông dân tiến hành tái canh, đồng thời hướng đến hoạt động sản xuất canh tác nông nghiệp theo quy trình hữu cơ, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, khi thu hoạch lựa chọn trái với chín tỉ lệ cao và phơi quả cà phê trên sàn lưới đảm bảo tiêu chuẩn xanh, sạch, an toàn.
Từ năm 2015, anh Vương thành lập Công Ty TNHH Sản Xuất Và Thương Mại Vương Thành Công (Công ty Vương Thành Công) để thuận lợi trong việc liên kết sản xuất, chế biến mặt hàng cà phê cho nông dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX.
Nâng tầm hạt cà phê Việt
Khoảng năm 2015 - 2016, anh Vương đã tổ chức nhiều chuyến đi vào Thành phố Hồ Chí Minh để mở rộng thị trường. Tại đây, chứng kiến các thương hiệu cà phê nước ngoài ngày càng được ưa chuộng, trong khi những sản phẩm thuần Việt chịu cảnh “hẩm hiu”, đối với anh Vương đó thật sự là nỗi đau khó diễn tả hết bằng lời.
“Thương hiệu cà phê lớn như Starbucks (Hoa Kỳ) rất được ưa chuộng tại Việt Nam, được xem như biểu tượng của thời thượng và đẳng cấp. Thực tế quốc gia này không trồng cà phê, trong khi nước ta lại sản xuất mặt hàng này xếp thứ hai thế giới. Đó là nỗi đau lớn nhất đối với tôi, của những người làm nghề. Một người bạn người nước ngoài của tôi khi đến và thưởng thức cà phê Việt Nam đã nói rằng, cà phê chúng ta không thua kém bất kỳ ai. Chỉ là những người kia không uống cà phê, họ chỉ đang uống một ‘thương hiệu’,” anh Vương tâm sự.
Từ năm 2019 đến nay, Công ty Vương Thành Công đã tổ chức khóa học miễn phí nâng cao kiến thức về cà phê hữu cơ và khởi nghiệp cho hàng trăm học viên |
Đau đáu với suy nghĩ muốn giúp cà phê Việt Nam chuyển mình, đến năm 2019, anh Vương bắt đầu tổ chức nhiều khóa học miễn phí về kiến thức sơ chế, rang xay, chế biến, nếm thử, marketing, những chứng nhận quan trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP),... Qua đó, góp phần lan tỏa quy trình canh tác hữu cơ, giúp người làm nghề hiểu hơn về tác động của thuốc hóa học đối với môi trường, hướng đến bảo vệ sức khỏe cho nông dân, nhà sản xuất và người tiêu dùng; tạo ra những sản phẩm chế biến có giá trị cao từ hạt cà phê hữu cơ.
Hiện nay, doanh nghiệp đã liên kết được 13 hộ sản xuất, canh tác cà phê trên địa bàn; cam kết bao tiêu cùng 7 HTX sản xuất cà phê vô cơ lẫn hữu cơ; đồng thời hỗ trợ nông dân chuyển đổi 65ha nguyên liệu cà phê từ dùng phân và thuốc bảo vệ thực vật vô cơ sang hữu cơ phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đơn vị.
Những sản phẩm cà phê của Công ty Vương Thành Công hiện có: cà phê nhân, cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê mộc đặc biệt, cà phê sấy lạnh, trà hoa cà phê (hữu cơ), trà cascara (từ vỏ cà phê hữu cơ), cà phê thải độc (hữu cơ), rượu cà phê (từ vỏ thịt quả cà phê hữu cơ), vang cà phê (từ phần thịt cà phê hữu cơ lên men tự nhiên), túi thơm cà phê. Trong đó, cà phê mộc đặc biệt Vương Thành Công là sản phẩm được UBND Tỉnh Đắk Lắk công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh vào năm 2020, bảo chứng cho chất lượng và niềm tin khởi nghiệp bền bỉ.
Với 12 khóa học miễn phí đã thực hiện, Công ty Vương Thành Công không chỉ hỗ trợ kiến thức cho hàng trăm học viên, lãnh đạo các Công ty, HTX và những người yêu thích cà phê, mà còn khuyến khích phong trào thanh niên khởi nghiệp ở địa phương. Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế địa phương, góp phần bảo tồn và khôi phục giá trị của loài cây trồng đặc trưng của Tây Nguyên.
Mặc dù bận rộn với nhiều chương trình cuối năm, đặc biệt là chuẩn bị cho “Ngày Doanh nhân Việt Nam” (13/10) vừa qua, anh Vương vẫn giành thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cho các buổi “truyền lửa” và “giữ lửa” sắp tới. Trao đổi với chúng tôi về chức danh đặc biệt này, anh Vương tâm niệm, “Đối với tôi, không phải cứ ‘mua chín, bán mười’ thì là doanh nhân, không nên nhầm lẫn giữa doanh nhân với thương nhân. Doanh nhân phải là người có hoài bão, tinh thần, trách nhiệm với xã hội. Doanh nhân là người luôn có một ‘nỗi đau’, niềm trăn trở nào đó với cộng đồng và luôn tìm cách giải quyết nỗi đau đó.”