Loading... Loading...

Hà Nội xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP từ rau an toàn

Thứ tư, 08-02-2023 | 15:14GMT+7
OVN - Thời gian qua, việc phát triển sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng sản phẩm OCOP Hà Nội (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đã góp phần nâng cao chất lượng, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể, đơn vị, hộ sản xuất, qua đó giúp cải thiện thu nhập và đời sống của bà con nông dân…

Từ mô hình sản xuất rau an toàn tiêu biểu của Hà Nội

Theo Giám đốc HTX  Văn Đức Nguyễn Văn Minh (Gia Lâm, Hà Nội), với diện tích đất sản xuất trên 300 ha, trong đó 250 ha dùng để trồng rau an toàn do trên 1.000 hộ thành viên tham gia sản xuất, sản lượng hằng năm đạt trên 30.000 tấn rau ăn lá, củ, quả các loại, thì việc tuyên truyền, chỉ đạo sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm  là vô cùng quan trọng trong quy trình sản xuất của nông dân.
 
sản xuất rau an toàn tiêu biểu của Hà Nội
Ảnh minh họa: Internet
 
Để bảo đảm chất lượng rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, khâu giám sát đóng vai trò rất quan trọng. Thời gian qua, các đơn vị như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, huyện Gia Lâm đã phối hợp với HTX Văn Đức tổ chức tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn cho nông dân, chỉ đạo các tổ, nhóm tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn nông dân sản xuất hằng ngày trên đồng ruộng về quy trình sản xuất rau an toàn, VietGAP, sản phẩm OCOP. Nhờ đó, bà con nông dân thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi thực hiện tốt quy trình sản xuất, góp phần giảm thiểu tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh trong sản xuất đã nâng cao chất lượng rau an toàn của HTX Văn Đức, từ đó tạo được lòng tin cho các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, các thương lái và người tiêu dùng, sản phẩm bán ra dễ dàng hơn, giá cao hơn so với thị trường các địa phương khác cùng trồng rau từ 15 đến 20%. Đặc biệt, nhờ sản xuất rau an toàn, môi trường sản xuất và môi trường sống xung quanh được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân được nâng lên. Kết quả, trên 220ha sản xuất rau của nông dân là thành viên HTX Văn Đức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, rau VietGAP và chất lượng sản phẩm OCOP.

Hiện sản phẩm rau an toàn của HTX Văn Đức đã được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, mỗi năm từ 300 - 500 tấn, giá cao hơn so với thị trường trong nước từ 20%. Đây là hướng đi đúng, trúng với tình hình sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế, giúp nông dân có đầu ra ổn định và yên tâm sản xuất.
 
sản xuất rau an toàn tiêu biểu của Hà Nội
 Diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố đạt 5.044ha (Ảnh minh họa: Internet

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, ông  Nguyễn Mạnh Phương cho biết, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, diện tích được chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố là 5.044ha, sản lượng đạt gần 400.000 tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng Thủ đô. Còn diện tích rau đạt tiêu chuẩn VietGAP là 521,6ha, rau hữu cơ khoảng 50ha.
 

Đến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn 

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn và liên kết chuỗi tiêu thụ, các đơn vị cần tăng cường ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ Nano... từ khâu giống, trồng trọt, đóng gói đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất.
sản xuất rau an toàn Hà Nội
Rau an toàn có giá cao hơn từ 15 đến 20%

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất, ứng dụng đồng bộ các công nghệ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới để vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường khó tính. Hà Nội cũng cần phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp (hợp tác xã chuyên ngành) để làm đầu mối tiếp nhận ứng dụng kỹ thuật mới và chuyển giao cho các thành viên hợp tác xã, trong đó đơn vị chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật phải xác định là một "mắt xích" không thể tách rời trong chuỗi liên kết, chịu trách nhiệm cùng hợp tác xã hướng dẫn thành viên sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản để có được sản phẩm rau an toàn đáp ứng được yêu cầu của đơn vị phân phối tiêu thụ.

Đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn cần làm tốt công tác dự tính, dự báo thị trường tiêu thụ, yêu cầu rõ về số lượng, chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm để làm cơ sở cho đơn vị chuyển giao. Hợp tác xã và nhà sản xuất áp dụng công nghệ phù hợp và giá thành hợp lý nhất để tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Theo đại diện ngành nông nghiệp Hà Nội, phát triển sản xuất rau an toàn không chỉ là nội dung quan trọng của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà còn hướng đến nền sản xuất nông nghiệp đô thị, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng một cách bền vững.

Bài và ảnh: Dạ Thảo


 

Từ Khóa : OCOP Việt Nam, Hà Nội xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP từ rau an toàn

Ý kiến bạn đọc